Tóm tắt:
Kể từ năm 1986, đặc biệt là những năm đầu của thập kỷ 90, bảo vệ môi trường đã trở thành nguyên tắc hiến định, cụ thể được quy định tại Điều 17 và 29 Hiến pháp năm 1992. Luật Bảo vệ Môi trường đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993 đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật về môi trường ở Việt Nam. Có thể nói, đây là thời điểm mà công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, phát triển cả về chất và lượng. Tiếp theo đó, ngày 20 tháng 05 năm 1998, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 3 đã thông qua văn bản luật đầu tiên về tài nguyên nước - Luật Tài nguyên nước số 08/1998/QH10 hình thành một nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật bảo vệ nguồn tài nguyên nước ở Việt Nam. Trong những năm gần đây, hầu hết các văn bản dưới luật quan trọng và cần thiết cho việc hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước đã được ban hành và không ngừng được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, khung pháp lý hiện hành về tài nguyên nước ở Việt Nam bao gồm một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khá phức tạp, nhiều tầng nấc, được ban hành bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Mặc dù hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã được liên tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trong suốt một thập kỷ qua, nhưng rõ ràng vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Bài nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích những mâu thuẫn, xung đột và chồng chéo của Luật Tài nguyên nước hiện hành với các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành Luật này, cũng như giữa Luật này với các văn bản luật và pháp lệnh khác có liên quan. Những chồng chéo, xung đột và mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật này đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan thi hành pháp luật trong quá trình thực thi và áp dụng các văn bản pháp luật đó. Bên cạnh đó, mục tiêu chính của bài nghiên cứu này là làm sáng tỏ và khẳng định sự cần thiết, cũng như tính cấp bách của việc sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước hiện hành. Đã đến lúc Việt Nam cần phải có một văn bản luật mới và toàn diện hơn quy định việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước.