Tóm tắt:
Nhằm đảm bảo sự khai thác, sử dụng một cách hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước, khung pháp lý về lĩnh vực nước ở Việt Nam đang từng bước được hình thành và hoàn thiện trong suốt thập kỷ qua. Khung pháp lý này bao gồm một loạt các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước, kể cả quy định về việc xử lý và xả nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và hộ gia đình. Bảo vệ nguồn tài nguyên nước, cụ thể liên quan đến chất lượng nước và ngăn ngừa sự ô nhiễm nước đang là vấn đề thời sự và cốt yếu do sức ép của quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển của đất nước. Thế nhưng, chất lượng của các văn bản pháp luật hiện hành về quản lý nguồn tài nước ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Thêm vào đó là sự thi hành các văn bản pháp luật cấp trung ương gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng và thực thi tại các cơ quan địa phương.
Trong những năm gần đây, hơn 300 văn bản pháp quy phạm luật có liên quan đến việc quản lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước đã được ban hành dưới nhiều hình thức khác nhau, điều chỉnh hầu hết mọi lĩnh vực có liên quan đến tài nguyên nước. Trong số đó có khoảng 60 văn bản điều chỉnh việc quản lý sự ô nhiễm nước và nước thải. Ngoài ra, các quy định quan trọng về bảo vệ nguồn tài nguyên nước, cụ thể là quy định về quản lý sự ô nhiễm nước đã được ban hành ở các cấp địa phương nhằm thực thi các văn bản pháp luật của Trung ương. Thành phố Cần Thơ, có vị trí tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có khoảng 100 văn bản pháp luật liên quan đã được Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong phạm vi thẩm quyền của thành phố.
Với việc lựa chọn thành phố Cần Thơ làm trường hợp nghiên cứu, bài nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích những mâu thuẫn, xung đột và chồng chéo giữa các văn bản pháp luật của Trung ương và của địa phương, đặc biệt chú trọng vào lĩnh vực quản lý nước thải. Qua đó sẽ thảo luận và làm sáng tỏ vấn đề hiện nay rất được quan tâm; đó là chính quyền thành phố Cần Thơ đã và đang thực thi, áp dụng các văn bản pháp luật của Trung ương về quản lý tài nguyên nước như thế nào, cũng như vị trí của các văn bản này được xác định và thể hiện như thế nào trong công tác quản lý ở địa phương. Bên cạnh đó, mục tiêu của bài nghiên cứu còn nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý toàn diện và chặt chẽ hơn điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở cả cấp trung ương và cấp địa phương.
Full text: download